Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh hay còn được gọi với cái tên thân thương – Lăng Bác là biểu tượng đặc biệt của thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Đây là công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng đặc biệt. Đồng bào khắp nơi trên cả nước và du khách quốc tế đều tụ hội về đây. Nucuoimekong.com sẽ hướng dẫn để bạn có hành trình viếng thăm Lăng Chủ tịch ý nghĩa nhất nhé!
1. Giới thiệu chung về Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
Lịch sử hình thành lăng Bác Hồ
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ kiệt xuất và vĩ đại, là anh hùng giải phóng dân tộc và là danh nhân văn hoá của nhân loại. Ngày 2/9/1969, Người đã ra đi và để lại niềm thương nhớ cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng mộ của Người”. (nguồn: https://www.bqllang.gov.vn/)
Dân tộc Việt Nam ta bao đời nay luôn có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên và tưởng niệm những người đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và nguyện vọng lớn lao nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là được tận mắt nhìn thấy Bác. Được thường xuyên viếng thăm Bác. “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch. Người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”. Dù Bác đã đi xa nhưng mọi tư tưởng, đạo đức, lối sống và sự nghiệp cách mạng của Bác luôn còn mãi. Là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Vì vậy, việc giữ gìn thi hài và xây dựng Lăng Bác là góp phần giữ gìn nền tư tưởng đó. Người đã mang đến cuộc sống hòa bình, ấm lo cho cả dân tộc.
Thời gian xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Lăng Bác được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 2/9/1973 và thành công hoàn thành vào ngày 19/8/1975. Cụm di tích Lịch sử – Văn hoá Ba Đình gồm các công trình kiến trúc, di tích lịch sử nổi tiếng gồm Lăng Bác, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
2. Đường đi đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thế nào?
Lăng Bác tọa lạc tại số 19 Ngọc Hà – Ba Đình – Hà Nội. Nếu bạn di chuyển bằng xe máy hoặc các phương tiện cá nhân thì có rất nhiều tuyến đường để lựa chọn. Khuyến khích bạn nên gửi xe tại hai nơi gần Lăng Bác nhất là đường Ông Ích Khiêm. Đường nằm đối diện bộ Tư lệnh Lăng hoặc số 19 đường Ngọc Hà ở phía cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nếu bạn muốn di chuyển bằng xe bus thì cũng cực kỳ tiện lợi. Có rất nhiều tuyến xe bus có điểm dừng gần Lăng Bác để bạn tự do lựa chọn phù hợp với vị trí của bạn như xe tuyến 09, tuyến 18, tuyến 22, 33, tuyến 45 và tuyến xe 50. Điểm dừng gần Lăng Chủ tịch nhất là 18A Lê Hồng Phong. Nếu trong trường hợp không rõ điểm dừng, đừng ngần ngại mà bạn nên hỏi người phụ xe rất nhiệt tình và bảo họ nhắc tới điểm dừng Lăng Bác là được.
3. Kiến trúc Lăng Bác được xây dựng thế nào?
Lăng Bác được xây dựng theo lối kiến trúc cực kỳ độc đáo và đặc biệt. Mặt chính của Lăng hướng về phía đông là Quảng trường Ba Đình. Bên trong lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 3 lớp với chiều cao là 21,6m. Lớp dưới có kết cấu bậc nhiều cấp, lễ đài dành cho đoàn chủ tịch khi diễn ra các hoạt động mít tinh. Lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng bao gồm phòng thi hài, hành lang và cầu thang lên xuống. Phần trên là mái lăng được có kiến trúc cách điệu và đặc biệt hình bông sen nở. Trước mặt chính của lăng có dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín.
4. Thời gian tổ chức lễ viếng tại Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
Lễ viếng tại lăng Bác được tổ chức vào các buổi sáng: Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy, Chủ Nhật.
Mùa hè (từ ngày 01 tháng 4 đến ngày 31 tháng 10)
Thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút.
Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ.
Mùa đông (từ ngày 01 tháng 11 đến ngày 31 tháng 3 năm sau)
Thời gian từ 8 giờ đến 11 giờ.
Thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút.
Những ngày lễ 19/5, 2/9 và Mùng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu, vẫn sẽ tổ chức lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh bình thường.
5. Hành trình thăm lăng Bác Hồ
Để có thể tham quan hết những điểm độc đáo và nét văn hóa tại đây. Bạn sẽ đi tham quan từng khu theo trình tự: Lăng Bác đến Nhà sàn, ao cá Bác Hồ, sau đó đi thăm bảo tàng Hồ Chí Minh và cuối cùng là Chùa Một Cột.
Chuẩn bị vào lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đầu tiên, bạn đi hướng cổng vào Bảo tàng Hồ Chí Minh tại số 19 Ngọc Hà, Ba Đình. Sau đó, người hướng dẫn trong ban quản lý sẽ tận tình chỉ bạn đi theo dòng người vào viếng lăng Bác. Đội ngũ nhân viên sẽ hướng dẫn bạn gửi đồ dùng cá nhân và một số lưu ý nhỏ khi vào lăng. Bạn sẽ đi qua một cổng an ninh. Những đồ kim loại, sắc nhọn, thiết bị ghi hình, chụp ảnh đều sẽ bị giữ lại và gửi phía ngoài.
Tham quan Lăng Bác
Trước khi vào trong lăng, bạn cần xếp hàng ngay ngắn và đi theo dòng người. Thường vào ngày lễ hoặc mùa hè, du khách đến thăm lăng rất đông vui và nhộn nhịp. Khi vào bên trong lăng, bạn chỉ cần đi theo hướng biển chỉ dẫn và theo dòng người phía trước rất dễ dàng để tham quan. Du khách được đi một vòng quanh lăng liên tục. Đặc biệt, chỉ trẻ em trên 3 tuổi mới được vào thăm lăng.
Nhà sàn và ao cá Bác Hồ
Tiếp theo, địa điểm nổi tiếng và thú vị mà bạn đến thăm quan sẽ là nhà sàn, ao cá Bác Hồ. Đường dẫn từ lăng Bác đến nhà sàn rất đẹp. Ao cá, vườn cây xanh mát um tùm tạo không khí vô cùng dễ chịu. Khi tới đây, bạn sẽ được tìm hiểu và biết thêm nhiều thông tin về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ. Ngoài ra, du khách đến thăm ngôi nhà nhỏ, đơn sơ bình dị của Bác. Bên cạnh đó sẽ có rất nhiều quầy giải khát và đồ lưu niệm. Bạn có thể mua những chiếc móc khóa nhỏ xinh làm quà cho bạn bè người thân nhé.
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đây là nơi lưu giữ những kỷ vật quý giá gắn liền với những sự kiện, dấu mốc quan trọng và đáng nhớ trong cuộc đời của Bác. Du khách sẽ được nghe hướng dẫn viên giới thiệu về những sự kiện quan trọng và dấu mốc lịch sử đó.
Chùa Một Cột
Ngôi chùa này là công trình kiến trúc nổi tiếng độc đáo tại Việt Nam được xác lập kỷ lục: Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất. Chùa Một Cột được ví như đóa sen ngàn tuổi và là biểu tượng đẹp của thủ đô Hà Nội. Nhớ ghé qua để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi chùa này nhé.
6. Lễ thượng cờ – hạ cờ ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lễ thượng cờ có những nghi thức gì?
Ngoài việc tham quan các khu di tích trong quần thể, nếu bạn đến đúng giờ thượng cờ – hạ cờ, bạn sẽ được chứng kiến nghi lễ trang trọng này ở quảng trường Ba Đình. Thượng cờ là nghi lễ cấp quốc gia và được thực hiện hàng ngày vào 6 giờ sáng. Đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Đội tiêu binh 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn sẽ đi một vòng ra phía trước theo tiếng nhạc của ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ” để đến chân cột cờ. Sau đó, ba chiến sĩ đội hồng kỳ sẽ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức. Cửa lăng Chủ tịch bắt đầu mở. Khi có hiệu lệnh lá cờ sẽ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca. Cờ được kéo lên trên đỉnh cột. Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh đi một vòng trước cửa lăng Bác và kết thúc nghi lễ.
Lễ hạ cờ ở Lăng Chủ tịch
Lễ hạ cờ diễn ra vào 21 giờ hàng ngày với nghi thức tương tự như lễ thượng cờ. Nghi lễ chào cờ sẽ được các chiến sĩ thực hiện một cách trang trọng và thiêng liêng nhất. Để giữ gìn hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Đặc biệt, vào những ngày lễ đặc biệt như ngày Quốc Khánh, sinh nhật Bác thì những nghi lễ này lại càng trở nên thiêng liêng hơn.
7. Những điều cần chú ý khi tham quan lăng Bác
Quần áo gọn gàng lịch sự, tế nhị.
Giữa trật tự, xếp hàng theo thứ tự khi vào lăng.
Khi vào lăng nên mũ và có những hành động lịch sự.
Có thể đem theo điện thoại, máy ảnh nhưng không được chụp hình, ghi hình ở các khu vực cấm, đặc biệt là ở bên trong lăng.
Trẻ em từ 3 tuổi trở lên mới được phép vào lăng.
Bạn chỉ nên mang đồ ăn, thức uống vào bên trong quần thể Lăng.
Ở khu nhà sàn có nhà vệ sinh công cộng, lưu ý giữ gìn vệ sinh chung.
Trên đây là những thông tin, kinh nghiệm quý báu khi đi thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nucuoimekong.com tổng hợp được. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích và bạn sẽ có một hành trình tuyệt vời.