Chùa ve chai không còn là cái tên quá xa lạ đối với các “tín đồ” du lịch tâm linh ở Đà Lạt. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo mà còn được tiếp cận với di sản văn hoá, lịch sử, tôn giáo đồ sộ. Ngay bây giờ, hãy cùng tìm hiểu về ngôi chùa này qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu về Chùa Ve Chai
Chùa ve chai hay còn được gọi là Chùa Linh Phước. Ngôi chùa được khởi công xây dựng từ những năm 1949 và hoàn thành vào năm 1953. Đến năm 1990, chùa được tu sữa lại và giữ được kiến trúc cho đến ngày nay. Chùa Linh Phước được xây dựng từ hàng trăm tấn mảnh sành sứ từ nhiều nơi về. Những mảnh vỡ này sau khi được cắt mài tinh tế, thì bắt đầu đính khảm cho tất cả các tiểu tiết xung quanh chùa như lan can, cột, vách tường. Chính vì lý do này mà mọi người bắt đầu gọi ngôi chùa này là Chùa Ve Chai.
Chùa Ve Chai ở đâu?
Nằm cách trung tâm Thành phố Đà Lạt tầm 8km theo quốc lộ 20. Từ trung tâm thành phố bạn có thể di chuyển đến chùa bằng nhiều đường, xuống hết con dốc ở Trại Mát rồi đi thêm một đoạn ngắn nữa sẽ nhìn thấy cổng vào chùa. Đoạn đường từ trung tâm đến chùa tương đối bằng phẳng và dễ di chuyển nên bạn có thể đến đây bằng ô tô hay xe máy đều được.
Địa chỉ: Chùa Linh Phước tọa lạc tại số 120 đường Tự Phước, Phường 11, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Kiến trúc Chùa Ve Chai có gì?
Khu Chánh Điện
Sau khi bước vào cổng chùa và lạy Phật ở bên ngoài bạn có thể đi thẳng vào khu chánh điện. Bước vào chánh điện, bạn có thể sẽ bị choáng ngợp bởi sự nguy nga và hoành tráng của kiến trúc. Công trình có chiều dài 33m và rộng 22m. Bên trong điện có Tiền đàn bảo tháp cao đến 27m. Giữa điện là tượng đức Phật Thích ca ngồi trên toà sen với tổng chiều cao 4,9m, được thiếp vàng cẩn thận. của khu chánh điện có gian thờ 108 vị Phật thiên thủ thiên nhãn. Ngoài ra, các tiểu tiết bên trong chánh điện cũng được cũng được chạm trỗ hình rồng vô cùng đặc sắc. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp và sự uy nghi cho khu vực này.
Điện thờ Quan Âm
Sau khi đã bái lạy tại khu vực chánh điện, bạn có thể di chuyển đến điện thờ Quan Âm. Nơi đây có thờ 324 vị Quan thế âm bồ tát. Bước vào điện thờ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng quan âm được đặt ngay giữa điện. Tượng có chiều cao 17m, được làm bằng bê tông, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra, trong điện thờ cũng được chia làm nhiều tầng. Mỗi tầng được đặt những pho tượng khác nhau, trung bình mỗi pho tượng sẽ cao khoảng 3,7m.
Tháp chuông 7 tầng
Kế bên điện thờ của Chùa Ve Chai là toà tháp chuông cao nhất Việt Nam được ghi nhận bởi kỷ lục Quốc gia. Tháp chuông 7 tầng này hay còn gọi là Linh Tháp. Linh Tháp cao 36 mét, bao gồm 7 tầng được thiết kế kỳ công và trang trí bằng nhiều bức tượng bắt mắt. Ở tầng cao nhất của Linh Tháp là Đại Hồng Chung – cao 4.3m, nặng 8.500kg, miệng chuông rộng 2.33m. Đây là chiếc chuông lớn thứ 2 tại Việt Nam, xếp sau chuông ở Chùa Bái Đính – Ninh Bình.
Long Hoa Viên
Một trong những khu vực đặc sắc nhất trong chùa mà bạn không nên bỏ qua đó chính là Long Hoa Viên. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng rồng khổng lồ, uốn lượn quanh tượng Phật Di Lặc. Rồng có chiều dài lên đến 49m. Tượng được đính kết bằng hơn 12.000 miểng sành vô cùng tinh xảo.
Những khu vực khác ở bên trong chùa
Bên cạnh những khu vực vừa kể trên thì có những khu vực thu hút khác mà bạn không nên bỏ qua. Trong đó, không thể không kể đến nơi mô phỏng 18 tầng địa ngục hay nơi trưng bày các bức tượng sáp. Với 18 tầng địa ngục, đây sẽ là nơi trưng bày nhiều hình thù kỳ dị và ghê rợn về nhân quả nghiệp báo. Với nơi trưng bày các bức tượng sáp, đây là để bạn nhìn thấy những bức tượng được làm bởi những nghệ nhân người Thái Lan.
Chùa Ve Chai – Nơi nắm giữ 11 kỷ lục quốc gia
Chùa Ve Chai không chỉ nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo mà còn là nơi nắm giữ 11 kỷ lục của Việt Nam. Các kỷ lục bao gồm:
Tháp chuông cao nhất Việt Nam.
Tượng Phật bằng bê tông trong nhà cao nhất Việt Nam.
Tượng Bồ đề Đạt ma bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Tượng Quan thế âm Bồ tát làm bằng 600.000 bông hoa bất tử, cao 18m nặng 1630kg-đạt kỷ lục Châu Á.
Tượng Khổng tước vương bằng gỗ sao lớn nhất Việt Nam.
Ngôi chùa được tạo bằng nhiều mảnh sành sứ nhất.
Gốc cây gỗ trâm có chứa bộ “Kinh pháp cú” lớn nhất.
Nơi có bộ phản bằng gỗ sao to nhất.
Tác phẩm nghệ thuật “Song tùng bách hạc”-xác lập kỷ lục Việt Nam.
Bộ bàn ghế làm bằng gỗ sao, có chạm khắc hình 12 con giáp lớn nhất cả nước.
Công trình kiến trúc “18 tầng địa ngục” dài nhất Việt Nam.
Những lưu ý khi tham quan Chùa Ve Chai Đà Lạt
Dù có ý định đến đây check-in bạn cũng hãy lựa chọn những bộ trang phục kín đáo và lịch sự.
Chùa Linh Phước cho phép du khách, các Phật tử ra vào tự do và không thu tiền vé. Tuy nhiên, chùa sẽ ngừng nhận khách đến viếng vào 17h00 hàng ngày.
Hàng ngày, dù không phải mùa du lịch cao điểm thì cũng có khá nhiều du khách đến đây bái lạy. Chính vì vậy, bạn cần cẩn thận, bảo quản tư trang của mình, tránh chen lấn, xô đẩy.
Giữa “thành phố sương mù”, Chùa Ve Chai được tạo nên từ những mảnh ghép rực rỡ. Ngôi chùa mang trên mình vẻ đẹp lộng lẫy nhưng cũng không kém phần cổ kính và linh thiêng. Đây quả là điểm đến đáng cân nhắc cho bất cứ du khách nào đến với Đà Lạt.