Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những địa điểm check in Sài Gòn không thể bỏ qua. Đây là nơi thờ tự cổ nhất của người Hoa tại Sài Gòn và chất chứa nhiều câu chuyện tâm linh đặc biệt. Hơn hết, du khách còn ấn tượng với nét kiến trúc độc đáo và nhiều cổ vật của địa danh này.
Chùa Bà Thiên Hậu ở đâu?
Sự tích về Bà Thiên Hậu
Theo học giả Vương Hồng Sển thì Thiên Hậu Thánh Mẫu có tên là Lâm Mặc Nương. Người đảo Mi Châu, thuộc Bồ Dương (Phước Kiến). Bà sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Sau đó, tám tuổi bà biết đọc, mười một tuổi bà tu theo Đạo giáo. Mười ba tuổi, bà thọ lãnh thiên thơ thần Võ Y xuống cho một bộ “Nguyên vị bí quyết”. Và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư khác, rồi coi theo đó mà luyện tập đắc đạo.
Một lần, cha bà tên Lâm Tích Khánh ngồi thuyền cùng hai trai (anh của bà). Chở muối đến tỉnh Giang Tây để buôn, giữa đường thuyền lâm bão lớn. Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh.
Giữa lúc đó mẹ kêu gọi bà, buộc bà phải trả lời. Bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu”
Lịch sử xây dựng chùa
Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông). Di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này.
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Cách huyện Bình Dương 12 dặm, ở phía tả và phía hữu đường quan lộ. Nơi chợ có đường thông ra tứ phía đi liên lạc như hình chữ “điền”. Nhà cửa phố xá liên tiếp thềm mái cùng nhau, người Hán, người Thổ ở chung lộn dài độ 3 dặm, đủ cả hàng hóa trăm thức,… đầu phía bắc đường lớn có đền Quan Công, quán Tam Hội, xây cất đối nhau phía tả và phía hữu. Phía tây đường lớn có chùa Thiên Hậu, gần phía tây có Ôn Lăng Hội Quán…”
Sau 261 năm tồn tại, trải qua nhiều lần trùng tu. Ngôi chùa vẫn giữ được những đường nét độc đáo. Vào ngày 7/1/1993, địa danh này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Kiến trúc đậm chất người Hoa của Chùa Thiên Hậu
Chùa Thiên Hậu được xây theo hình ấn. Có kiểu kiến trúc đặc trưng Trung Hoa với phong cách kiến trúc Á Đông thuần khiết. Là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết với nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Tất cả các vật liệu, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc đều do thuyền buồm chở từ Trung Quốc sang.
Cách thức phong tô cũng giữ y phong cách của người Hoa. Gạch xây liền không trát hồ mà vẫn thẳng đường thẳng lối như vẽ. Khéo léo đến mức tưởng như chẳng ai có thể làm được sắc xảo hơn thế. Chùa Bà Thiên Hậu được thiết kế theo lối tam quan cách điệu ở phần cửa chính đi vào và hai bên hông có thêm hai hành lang. Những dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện (chính điện).
Tiền điện
Tiền điện Chùa Bà Thiên Hậu có đặt bàn thờ Phúc Đức Chánh thần ở bên phải. Đồng thời, bàn thờ Môn Quan Vương Tả được bố trí ở bên trái. Tới đây, bạn còn được chiêm ngưỡng các bia đá ghi lại truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu. Cùng những bức tranh vẽ Bà đang hiển linh trên sóng nước.
Trung điện
Trung điện của Chùa Bà Thiên Hậu có bộ lư “Phát lan” gồm 5 món được điêu khắc tinh xảo. Hai bên là hình ảnh chiếc thuyền rồng cổ chạm hình nhân cùng chiếc kiệu cổ sơn son thếp vàng. Những vật dụng này dùng để rước Bà vào ngày vía Bà.
Hậu điện (chính điện)
Di chuyển tới chính điện cũng chính là lúc bạn đặt chân đến Thiên Hậu Cung gồm 3 gian:
- Gian giữa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu tạc từ khối gỗ cổ cao 1m. Kim Hoa Nương Nương được thờ bên phải. Long Mẫu Nương Nương được thờ bên trái
- Hai gian phụ đặt các tượng thờ Quan Thánh, Địa Tạng và Thần Tài.
- Tất cả các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy.
Những bảo vật quý được lưu giữ ở chùa Bà Thiên Hậu
Chính điện chùa còn 2 đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 và Đạo Quang năm thứ 10. Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiệu Quang Tự thứ 12. Trong tủ kính lớn ở chính điện là tượng Bát Tiên và tướng lĩnh của D’Ariès vào năm 1860 cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách. Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt. Dành rước Bà vào ngày vía với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu.
Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ. Trong đó: có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 4 lư hương đồng, 1 lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi… Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.
Lễ hội ở Miếu Bà Thiên Hậu
Bạn có thể đến với chùa Bà Thiên Hậu vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, sẽ náo nhiệt hơn cả nếu bạn tham quan vào ngày 22 đến 24/3 âm lịch. Đây chính là Lễ vía Bà Thiên Hậu hàng năm thu hút đông đảo người Hoa và người Việt đến cúng bái. Cùng với đó là các hoạt động náo nhiệt như múa lân, múa sư tử, múa rồng… Và biểu diễn nghệ thuật do các đội nhạc dân tộc thực hiện càng thêm náo nhiệt.
Có người đến cầu lộc, cầu duyên, cầu tài. Cũng có người cầu bình an, cho một đời được an nhiên bên gia đình. Vì thế lư hương lúc nào cũng nghi ngút khói nhang. Người làm công quả cũng tất bật chẳng kém để lấy bớt phần nhang đã cháy nhiều. Chừa chỗ cho người sau đến viếng. Nhang thơm tan vào hư không, thoảng trong gió, mang theo những ước nguyện từ tận đáy lòng.
Các địa điểm du lịch gần chùa Bà Thiên Hậu
Hội Quán Nghĩa An
Miếu Quan Đế Nghĩa An hội quán tức chùa Ông tọa lạc tại 678 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5. Miếu vốn là hội quán của bang Triều Châu. Do người Triều Châu và người Hẹ ở Triều Châu sang Việt Nam sinh sống thành lập. Không rõ miếu được xây dựng năm nào, có lẽ muộn nhất là đầu thế kỷ XIX.
Hội Quán Sùng Chính
Tọa lạc tại 676 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi chùa có kiến trúc xây dựng theo kiểu đền chùa chùa cổ Trung Hoa. Mái chùa vuốt công ở đỉnh hình đầu đao, mái được lớp bằng ngói ống xanh bích. Màu sắc trang trí chủ đạo của ngôi chùa là màu đỏ. Hằng ngày, ngôi chùa tiếp đón một lượng khách viếng thăm khá đông. Vì nhiều người cho rằng ngôi chùa rất linh thiêng.
Hội Quán Quỳnh Phủ
Ngoại trừ Chùa Bà Thiên Hậu, ở Sài Gòn có ít nhất 6 nơi khác cũng thờ bà Thiên Hậu, trong đó có Hội quán Quỳnh Phủ. Chùa bà Hải Nam còn có tên là Hội quán Quỳnh Phủ. Ở số 276 Trần Hưng Đạo, quận 5. Với gần 200 năm tuổi với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và văn hóa cao. Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 2011.
Hội Quán Tam Sơn
Tọa lạc tại số 118 Triệu Quang Phục, quận 5,TP HCM. Hội quán Tam Sơn là một trong những hội quán lâu đời của người Hoa ở vùng Chợ Lớn xưa. Hội quán này được xây dựng bởi cộng đồng người Hoa kiều gốc Phúc Kiến vào năm 1839, dưới thời vua Minh Mạng. Từ nhiều năm qua, hội quán là một địa điểm cầu tự được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn tìm đến ở khu vực này.
Du lịch Sài Gòn không chỉ có những tòa nhà chọc trời, nơi ăn uống vui chơi sầm uất. Ghé thăm chùa Bà Thiên Hậu quận 5, bạn sẽ cảm nhận được một không gian rất khác. Đó chính là sự trầm tĩnh, uy nghiêm, tĩnh lặng. Giúp chúng ta như sống chậm lại giữa dòng đời đầy hối hả mà không phải nơi nào cũng có được. Hãy lưu lại bài viết để có chuyến du lịch thú vị và đáng nhớ nhé!